Tôi có một bà bác họ, năm nay ngoài 60 tuổi, vốn là nông dân bám vào mảnh ruộng, góc vườn, vì vậy mà cuộc sống lam lũ vất vả gần như cả đời mới tích cóp được một chút ít vốn liếng để dưỡng già, phòng thân.
Chồng bà bác tôi mất từ khi bà còn trẻ, vì vậy mà gánh nặng gia đình cùng việc chăm nuôi 4 đứa con dồn hết lên vai bà. Giai đoạn còn trẻ hầu như bà bác tôi chẳng có đủ tiền để mà nuôi các con ăn học, phải vay mượn triền miên bên nội bên ngoại, vì vậy làm gì có của nả dư dả mà tích cóp.
Mãi cho tới khi các con lớn khôn, học đại học rồi đi làm tự nuôi được bản thân thì bà bác tôi mới "nhẹ gánh" để hướng tới mục đích tích cóp chút tiền cho tuổi già, phòng khi đau ốm.
Làm mấy sào ruộng, kết hợp chăn nuôi con gà con lợn... vì vậy mà mỗi năm trừ chi tiêu rồi bác tôi cũng tích cóp được khoảng vài ba chục triệu đồng. Ngoài ra, các con thi thoảng biếu mẹ chút tiền, và bà cũng ăn dè hà tiện không dám tiêu pha hoang phí, dồn tất cả vào gửi tiết kiệm ở quầy tín dụng của xã.
Đợt giữa năm ngoái (năm 2024), khi về nhà chơi, bác kể với tôi rằng hiện tại bác có hơn 300.000.000 đồng gửi tiết kiệm, mỗi tháng tiền lãi được hơn 1 triệu đồng, và số tiền bác gửi theo kỳ hạn 12 tháng, nên cứ sau 1 năm tất toán, bác lại cộng dồn lãi vào gốc để gửi tiết kiệm tiếp.
Thấy thế tôi cũng mừng cho bác, vì với công việc làm nông, lại tiết kiệm được một khoản tiền kha khá như vậy ở làng quê được xem là rất cố gắng mới có được. Khoản tiền tiết kiệm đó, nếu đem so với những người kinh doanh buôn bán, hay cư dân đô thị thì chẳng thấm tháp hay to tát gì, nhưng với người nông dân ở quê như bác tôi thì đó cũng là một khối tài sản lớn, và được xem là "giàu" hơn nhiều người cao tuổi khác.
Hơn nữa, việc bác tôi có khoản tiền tiết kiệm ấy, với mức lãi suất hơn một triệu đồng hàng tháng, cộng với thu nhập từ làm nông, chăn nuôi..., nên cuộc sống khá sung túc dư giả, các con của bác tôi cũng an tâm khi hàng tháng không phải quá bận tâm trong việc chu cấp tiền bạc để chăm nuôi, phụng dưỡng.
Bẵng đi một thời gian, cách đây hơn chục hôm, khi về quê ăn cỗ cưới người bà con trong dòng họ, tiện thể ghé thăm gia đình nhà bác, tôi bắt gặp khuôn mặt buồn bã, dáng vẻ não nề của bà bác. Qua một hồi chuyện trò, bác tôi mới thổ lộ bằng giọng buồn đến chua chát:
- Bác bị mất hết rồi cháu ạ. Có lẽ mất sạch sành sanh, chẳng còn lấy một đồng một cắc...
Tôi hỏi bác tại sao lại ra nông nỗi như vậy chứ. Lúc này bác tôi mới chậm rãi tiết lộ rằng, do hơn 300.000.000 đồng gửi ngân hàng chỉ được có hơn 1 triệu đồng tiền lãi 1 tháng, thấy vậy nên một người phụ nữ hàng xóm đã thủ thỉ ngày đêm, nói bác tôi dịp Tết Ất Tỵ vừa rồi tất toán sẽ không gửi tiết kiệm tiếp nữa, mà mang về cho họ vay, lãi cao hơn rất nhiều lần.
Bác tôi kể:
- Người hàng xóm đó nói mức lãi suất nếu bác cho bà ta vay thì bà ta sẽ trả lãi 2.000 đồng/ 1 triệu/ ngày, bác thấy ham và nhẩm tính nếu cho vay 300.000.000 đồng thì mỗi ngày thu lãi tới 600.000 đồng, vị chi một tháng tiền lãi là 18.000.000 đồng, 1 năm là những 216.000.000 đồng- một số tiền quá lớn như vậy làm sao mà không hấp dẫn cơ chứ.
Thoạt đầu bác cũng đắn đo sợ người ta bùng mất, nhưng do bà hàng xóm nịnh nọt, lại còn hứa sẽ đảm bảo chắc chắn, yên tâm, không phải lo lắng gì cả... vì vậy bác mới siêu lòng, từ bỏ gửi tiết kiệm lãi thấp để cho bà ta vay.
- Thế bác cho vay được mấy tháng rồi, và lúc đầu họ trả lãi ra sao?...- tôi sốt sắng hỏi!
Vẫn giọng buồn buồn bác bảo:
- Thì từ cuối năm vừa rồi bác giấu con cháu, sau khi đến hẹn tức tốc ra ngân hàng tất toán, chỉ giữ lại hơn chục triệu tiền lãi của một năm, còn mang chẵn số tiền 300.000.000 đồng đưa cho bà ta vay mà không có tờ giấy nào làm cam đoan, hay bằng chứng gì cả.
Được một tháng đầu bà ta trả lãi đầy đủ 18.000.000 đồng, còn tặng "khuyến mãi" thêm cho bác cái nồi chiên không dầu. Hết tháng thứ hai bà ta cũng đưa trả đầy đủ tiền lãi rất đàng hoàng.
Số tiền lãi 36.000.000 đồng của 2 tháng bà ấy trả, bác cũng đâu có cầm tiêu gì, mà đưa lại cho bà ta vay tiếp để lấy lãi. Đến tháng thứ 3, tới ngày đóng tiền lãi, bác hỏi thì người hàng xóm này khất lần khất lữa, nói người vay lại tiền của bà ta chưa chạy được, nên nói bác thư thả ít hôm.
Vài tuần sau, rồi cả tháng tiếp người hàng xóm cũng vẫn cứ đưa ra hết lý do này tới lý do nọ với ý khất nợ lãi. Rồi cho tới một ngày gần đây, sự thể vỡ lở ra khi người vay lại tiền từ bà hàng xóm của bác đã vỡ nợ và trốn biệt tăm đi đâu, khiến cho không chỉ bác mà cả người hàng xóm cầm tiền của bác cho vay lại cũng dở khóc dở mếu.
Lúc này bác mới hiểu bà hàng xóm đã vay tiền của bác rồi mang cho một người khác trong cùng xã vay lại, với lãi cao hơn: 3.000 đồng/ 1 triệu/ ngày. Bác nghe nói, không chỉ hơn 300.000.000 đồng của bác, chính bà hàng xóm của bác còn mất hơn 500.000.000 đồng, bao gồm tiền của chính bà ta, và huy động thêm từ anh chị em trong gia đình nhà bà ta...
Tôi an ủi bác để bác đỡ buồn, khi đưa ra chút hy vọng rằng người hàng xóm sẽ có trách nhiệm với số tiền của bác, bởi họ chính là người cầm tiền để cho người khác vay, nhưng bác tôi không tin như vậy, bởi như đã nói trong lúc đưa tiền cho vay giữa bác tôi và người vay kia không hề có giấy tờ văn bản nào ràng buộc, làm bằng chứng cả.
Vì thế mà bác tôi cũng chỉ leo lét, nhen nhóm chút hy vọng là người hàng xóm có nghĩ tới chút tình làng nghĩa xóm để mà đền bù cho được chút tiền vốn nào hay chút đó, chứ đâu còn màng tới lãi lờ. Hơn nữa, để đợi được con nợ đã vỡ nợ chạy làng về trả chẳng khác nào câu chuyện viển vông, không có thực, trừ khi kẻ vỡ nợ... trúng xổ số.
Theo tôi thấy thì chẳng riêng câu chuyện bị lừa gạt của bác tôi, mà trong xã hội cũng có rất nhiều các trường hợp chỉ vì ham lãi cao nên đã vung tiền cho vay, và tình cảnh trớ trêu họ vướng phải đúng theo kiểu "thả gà ra đuổi", để rồi lúc bị lừa gạt rồi, người vay vỡ nợ không có khả năng trả nợ, khi đó họ mới tỉnh ngộ ra thì đã là quá muộn.
Bài học cho vay tiền với lãi suất cao luôn mang tới rủi ro cực lớn vậy mà nhiều người dân vẫn không chịu "học thuộc bài", nên số trường hợp bị "dính bẫy" của những kẻ lừa gạt vẫn là quá nhiều.
Qua đây tôi khuyên mọi người khi có tiền nhàn dỗi tốt hơn hết là mang gửi ngân hàng, dẫu lãi suất không cao nhưng sự đảm bảo an toàn, chắc chắn là có thật, chớ nên vung tiền ra cho vay ở bên ngoài, bởi mức lãi suất cao thường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, và người cho vay rất có khả năng sẽ mất cả chì lẫn chài...