Chiến thắng ung thư ở tuổi 23 nhờ tinh thần lạc quan

23/04/2025
|
0 lượt xem
Sống Khỏe Sức Khỏe
Chiến thắng ung thư ở tuổi 23 nhờ tinh thần lạc quan

Đêm muộn, Trần Nghiên (tên thật là Hồng Ngọc), vẫn cặm cụi bên bản nhạc, xem lại danh sách công việc chuẩn bị cho buổi họp fan đầu tiên vào giữa tháng 4. Cô gái 24 tuổi với nụ cười tươi, mái tóc mới chớm mọc, miệt mài sáng tác, viết nhạc. Công việc này vừa là ước mơ cô theo đuổi suốt 6 năm, vừa là cách để nữ ca sĩ trang trải cuộc sống và điều trị bệnh.

"Thoạt nhìn, chắc mình cũng giống mọi người thôi vì vết thâm tím do hóa trị cũng đã mờ dần, tóc cũng mọc dài ra. Tuy nhiên, cú sốc về khi biết bản thân mắc ung thư ở tuổi đôi mươi thật khó diễn tả bằng lời", giọng cô chùng xuống.

Tháng 1/2024, Nghiên phát hiện một cục u nhỏ ở ngực trái. "Ban đầu, tôi nghĩ đó chỉ là một dấu hiệu bình thường, nhưng nó rất cứng, như một hạt đậu", cô nhớ lại. Sau khi làm sinh thiết, bác sĩ xác nhận nữ ca sĩ mắc ung thư vú. Tin tức như sét đánh ngang tai khiến cô bất ngờ, hoang mang.

"Tôi từng nghĩ ung thư chỉ là bệnh của người già. Gia đình tôi trước nay cũng không ai mắc bệnh này", Nghiên nói. Vì không có bảo hiểm y tế đầy đủ để hỗ trợ toàn bộ chi phí, cô phải đối mặt với gánh nặng tài chính.

Dù hóa trị gây nhiều tác dụng phụ, Nghiên vẫn cố gắng lạc quan, sống mạnh mẽ để vượt qua bệnh tật. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ung thư vú hiện là căn bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, vượt qua ung thư gan với khoảng 25.000 ca mắc mới mỗi năm, theo số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN). Mặc dù trước đây được coi là bệnh của tuổi già, ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng ngày càng được phát hiện ở người trẻ tuổi. Điểm sáng là nếu phát hiện sớm, tỷ lệ sống còn có thể lên đến hơn 90%.

Trường hợp của Trần Nghiên được bác sĩ đánh giá khả quan. "Khối u của em khá nhỏ, chỉ khoảng 2 cm, tiên lượng điều trị rất tốt, có thể khỏi bệnh đến 98% nếu theo đúng phác đồ", Nghiên kể lại lời bác sĩ nói. Lời khích lệ này giúp cô gái trẻ tìm lại hy vọng và quyết tâm không buông xuôi. Cô gái bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh, những di chứng có thể gặp cũng như tác dụng phụ của các biện pháp điều trị, rồi nhanh chóng nhập viện.

Vào tháng 3/2024, cô thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ một bên tuyến vú để xử lý khối u và làm sinh thiết kiểm tra mức độ di căn. Dù buồn vì phải thay đổi cơ thể, nhưng Nghiên không ngừng tự an ủi: "Còn sống là có hy vọng, cả ngực hay mái tóc đều có thể phục hồi".

Sau khi tiếp nhận điều trị, cô bị rụng tóc nhưng vẫn đi hát, viết nhạc để luôn lạc quan, chiến đấu với căn bệnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau phẫu thuật, cô phải đối mặt với những cơn đau hành hạ như "bị vật nặng đè vào ngực". Nữ ca sĩ từng là một vũ công chuyên nghiệp với khả năng nhào lộn linh hoạt, giờ nằm bất động, bàn tay thậm chí không nhấc nổi.

Nghiên trải qua bốn đợt hóa trị, mỗi đợt cách nhau ba tuần. Hóa trị khiến cơ thể cô kiệt quệ, buồn nôn, chóng mặt, ăn không ngon, mái tóc bắt đầu rụng từng sợi, lộ dần da đầu. "Tôi từng thất vọng khi soi gương nhìn thấy chính mình, nhưng lại tự nhủ: đây không phải là lúc để dừng lại", cô kể. Chính mẹ và ước mơ âm nhạc nuôi dưỡng nội lực để Nghiên tiếp tục chiến đấu.

Vượt qua mệt mỏi, cô vẫn chăm chỉ viết nhạc, thu âm và biểu diễn. Vào tháng 7/2024, sau mũi hóa trị cuối cùng, bác sĩ thông báo khối u đã hoàn toàn bị loại bỏ. Lần đầu tiên sau nửa năm chiến đấu, nữ ca sĩ chiến thắng căn bệnh. Dù phải tái khám định kỳ ba tháng một lần để đảm bảo ung thư không tái phát, nhưng với Nghiên, hành trình này đã bước sang một chương mới.

Trần Nghiên là nghệ sĩ tự do, đam mê sáng tác, ca hát. Tuy mắc ung thư, cô chưa từng từ bỏ đam mê, nói đây là động lực để cô chiến thắng bệnh tật. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những năm gần đây, tỷ lệ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt hơn 77% so với 52% ở giai đoạn 2008-2010. Nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm của bệnh nhân có thể lên đến 90%, thậm chí với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, tỷ lệ sống thêm 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%.

Điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch. Yếu tố then chốt để điều trị hiệu quả là phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.

Hơn một năm phát hiện bệnh, Nghiên thấy trưởng thành hơn trước mọi biến cố. Cô biết căn bệnh có nguy cơ tái phát, song luôn động viên bản thân lạc quan và tin tưởng vào nền y học hiện đại, trình độ của bác sĩ.

"Nếu thế giới không đẹp thì mình tự xây thế giới của riêng mình", cô nói và khoe gia tài là hơn 30 bài hát với nhiều dự án đang ấp ủ. Thành công bước đầu của cô sau biến cố là ca khúc Mất Phương Hướng, sáng tác trong những ngày điều trị, thu hút hàng trăm nghìn lượt nghe trực tuyến.

"Tôi không muốn mọi người chỉ biết tôi là người chiến thắng ung thư, mà còn nhớ đến tôi qua âm nhạc", nữ ca sĩ trải lòng.

    Chiến thắng ung thư ở tuổi 23 nhờ tinh thần lạc quanTitle

Ca khúc "Matphuonghuong" - Mất phương hướng do Trần Nghiên sáng tác khi đang điều trị, đang thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Video: Nhân vật cung cấp

Thùy An

Tin liên quan
Tin Nổi bật