Bộ Y tế nói 'thuốc giả không xâm nhập được vào bệnh viện công'

25/04/2025
|
0 lượt xem
Sức Khỏe Tin Tức
Bộ Y tế nói 'thuốc giả không xâm nhập được vào bệnh viện công'

Ngày 17/4, Bộ Y tế cho biết như trên sau một ngày sau khi Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. 14 người bị bắt về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.

"Bước đầu chưa phát hiện các sản phẩm nêu trên tại cơ sở khám chữa bệnh. Hàng giả không xâm nhập được vào trong hệ thống bệnh viện công lập do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu", ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý Dược nói, thêm rằng các sản phẩm giả này chủ yếu được bán trên mạng, tại kênh bán lẻ.

21 loại sản phẩm giả được sản xuất tại Hà Nội, TP HCM và An Giang, theo Bộ Y tế. Trong đó, có 4 loại giả thuốc tân dược (44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter, 52 hộp Neo-Codion); 39.323 hộp gồm 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc đông dược, sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.

Cục Quản lý Dược chưa rõ thị trường chủ yếu thuốc giả được tiêu thụ là tại địa phương nào.

Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, do vậy yêu cầu quản lý nghiêm ngặt. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt được quy định tại Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả là một trong những hành vi bị nghiêm cấm và phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị xử lý hình sự thấp nhất từ hai năm tù, cao nhất là tử hình.

"Tỷ lệ thuốc giả trong những năm gần đây dưới 0,1% thị trường dược phẩm", theo ông Hùng. Trong năm 2023-2024, các địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội báo cáo phát hiện một số lô thuốc Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion giả.

Thuốc giả được công an thu giữ. Ảnh:Lam Sơn

Công an Thanh Hóa thông tin khám xét 6 địa điểm tại Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp do nhóm Nguyễn Tiến Đạt sử dụng làm nơi sản xuất, cất giấu thuốc chữa bệnh giả, thu hàng nghìn hộp thuốc kháng sinh, thuốc bổ, thuốc thoái hóa xương khớp... Những thuốc này giả thương hiệu lớn trên thế giới như Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Tui Hua Shen Jing Tong, Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ, Gai cốt hoàn, Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn...

Khoảng 10 tấn thuốc giả và nguyên liệu bị thu giữ. Nguyên liệu dược phẩm, dược liệu, thảo mộc đều mua không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan điều tra cáo buộc, từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng.

Lê Nga

Tin liên quan
Tin Nổi bật